Câu hỏi:
Bạn đọc Lê Văn Minh (Hà Nội) hỏi: Tôi nhận được một món quà là thực phẩm chức năng, tôi nghi ngờ món quà này chứa ma túy. Vậy xin hỏi tôi muốn giám định món quà này có được không? Trình tự, thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an trả lời: Theo khoản 2, 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và Luật số 56/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp thì công dân trong câu hỏi nêu trên không phải là người được yêu cầu giám định theo Luật và các tội về ma túy là các tội hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Do đó, khi gặp các trường hợp nêu trên, đề nghị công dân trình báo thông tin với cơ quan Công an xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ tại khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 quy định về người yêu cầu giám định tư pháp như sau:
Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Tang vật vụ án được cơ quan công an thu giữ. Ảnh: C04 cung cấp.
Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về yêu cầu giám định cụ thể như sau: Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội;
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định; Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp.